Tăng mức phạt người hút thuốc lá tại địa điểm cấm

Vương Xuân Nguyên
Mức phạt tiền với hành vi hút thuốc lại nơi bị cấm sẽ là 200.000-500.000 đồng thay vì 100.000-300.000 như hiện nay.

Chính phủ vừa ban hành định 117 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.

Cụ thể:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

- Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

- Phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu nơi dành riêng cho người hút thuốc lá không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Khó xử phạt người hút thuốc lại nơi có quy định cấm

Khó xử phạt người hút thuốc tại nơi có quy định cấm là quan điểm chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo thực trạng triển khai môi trường không khói thuốc diễn ra tại Hà Nội ngày 2/10.

Tình trạng hút thuốc tại các địa điểm cấm tuy đã giảm nhưng vẫn còn tái diễn. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, cơ qua điều hành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nêu lên thực trạng lực lượng thanh tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực, thanh tra các cấp chưa quan tâm việc thanh kiểm tra công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Quỹ không được phép chi trả cho các hoạt động thanh kiểm tra việc thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá, mà các địa phương tự chi trả kinh phí.

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Ban Kiểm soát, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết thêm một số lãnh đạo đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến thực hiện môi trường không khói thuốc, thực hiện không nghiêm khắc. Ít trường hợp cán bộ bị xử lý.

“Chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hiện rất khó thực hiện. Lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử phạt mỏng, thực hiện không thường xuyên trong khi ý thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người còn thấp. Hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm diễn ra rất nhanh, không có bằng chứng gây khó khăn trong việc xử phạt”, bà Ngọc phân tích.

Bên cạnh đó, kiến thức của người dân về địa điểm cấm hút thuốc chưa được chính xác, đầy đủ. Không biết những địa điểm nào cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà và khuôn viên, địa điểm nào cấm hút thuốc trong nhà.

Vì thế, chuyên gia này cho rằng cần tăng cường sự phối hợp liên ngành để triển khai công tác kiểm tra, giám sát. Do sự phức tạp khi thành lập đoàn liên ngành dành riêng cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá nói chung nên có thể kết hợp với lĩnh vực khác như phòng chống buôn lậu, an toàn thực phẩm, kiểm tra y tế…

Vấn đề xử phạt cũng cần có chế tài dễ thực hiện hơn, quyền xử phạt cần rộng hơn, thủ tục đơn giản hơn. Cần tăng mức phạt và công khai đối tượng bị phạt đối với các đơn vi vi phạm thực hiện môi trường không khói thuốc sau nhiều lần kiểm tra vẫn vi phạm.

Kinh nghiệm của Bắc Kinh: Bản đồ số hóa việc thực hiện môi trường không khói thuốc

Ths Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá dẫn ví dụ về thực thi môi trường không khói thuốc khá hiệu quả tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo đó, TP này triển khai ứng dụng Complaint Map trên điện thoại thông minh, người dân có thể chủ động báo cáo các hành vi vi phạm. Trong giai đoạn 2015-2016, trung bình có 400 phản ánh/1 tháng, giai đoạn tháng 8/2017-5/2018 con số này đã tăng lên 1.000 phản ánh trong một tháng. Cơ sở vi phạm sẽ bị đánh dấu trên ứng dụng.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng thiết lập mạng lưới tình nguyện viên lên đến 15.000 người. Những tình nguyện viên này có nhiệm vụ đi kiểm tra bất kỳ cơ sở nào và hướng dẫn cơ sở cải thiện tình hình, kiểm tra lại (trong vòng 1 tuần), sẽ bỏ đánh dấu vi phạm trên ứng dụng. Nếu chủ cơ sở không hợp tác, họ có thể báo cáo vi phạm trên điện thoại, trường hợp nghiêm trọng có thể gọi trực tiếp cho đường dây nóng xử lý.

Bắc Kinh cũng có cách tiếp cận mới khi tập trung vào trách nhiệm của chủ cơ sở: tiến hành thanh kiểm tra, không cho phép đặt gạt tàn và bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến quảng cáo thuốc lá trong cơ sở, đặt các biển báo cấm hút thuốc và số điện thoại phản ánh vi phạm, Ths Huyền cho biết.

“Cũng giống như tại nhiều địa phương của Việt Nam, lực lượng thanh tra của thành phố này cũng mỏng, 110 người trực thuộc Đội thanh tra và giám sát y tế. Có hỗ trợ của Complaint Map để hỗ trợ xử phạt giúp xác định đúng mục tiêu. Năm 2017, lực lượng này nhận được hơn 11.000 cuộc điện thoại phản ánh, một nửa trong số đó là từ mạng lưới tình nguyện viên”, Ths Huyền dẫn chứng.

Hiện nay trên thế giới có 62 quốc gia quy định về môi trường không khói thuốc lá hoàn toàn (bao phủ 22% dân số thế giới). Một số quốc gia mở rộng phạm vi địa điểm cấm hút thuốc lá sang các khu vực khác như ban công tại các chung cư (Phần Lan), công viên (Luxembourg, Malaysia và Singapore), hay các cơ sở lưu trú và địa điểm du lịch như tại Việt Nam…

Nam Phương
08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN