Ông giáo nghèo và chuyến xe chuyên chở tuổi thơ

Trần Thị Kim Thu
Sau này, khi nhớ về chuyến xe đưa đón mỗi ngày của thầy giáo già, học sinh trường Võ Trường Toản, TP.HCM, hẳn sẽ tủm tỉm cười vì tuổi thơ của chúng có những kỷ niệm đẹp.

Chiều tan tầm, phố phường Sài Gòn đông nghịt xe cộ. Tiếng động cơ rì rầm cùng khói bụi từ hàng trăm phương tiện san sát nhau đủ để làm khó chịu bất cứ ai.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Lẩn trong dòng xe ngược xuôi như mắc cửi trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, người ta thấy chiếc xe van cũ màu trắng đang trôi chầm chậm, trên xe là học sinh tiểu học đang ngồi quay mặt lại với người đi sau. Các em vô tư cười đùa, đôi lúc còn vẫy tay chào người đi đường.

Đó là chiếc xe chở học sinh trường Tiểu học Võ Trường Toản của ông Mai Thuyết - một thầy giáo về hưu.

Ông giáo nghèo lái xe nuôi con đi học

Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Thuyết là giáo viên môn thể dục, trong khi vợ ông, bà Hồ Thị Bình, buôn bán tạp hoá của hợp tác xã tại nhà. Đồng lương giáo viên bộ môn còi cọc cùng mức thu nhập thấp của vợ khiến kinh tế gia đình ông rất chật vật. Nuôi ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học càng làm cho vợ chồng ông thêm phần khó khăn.

Năm 1995, giữa những bộn bề của cuộc sống mưu sinh, ông Thuyết được bạn bè tư vấn kiếm thêm thu nhập bằng cách mua ôtô đưa rước học sinh ở trường. Về nhà trình bày ý tưởng này với cha mình, ông bị ngăn cản ngay vì “có biết chạy được bao lâu mà bỏ ra số tiền lớn để mua xe?”

Ảnh minh họa nguồn Internet

Nhưng, như tâm sự của ông, “lúc ấy tui cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ cố làm sao để kiếm tiền nuôi con ăn học chứ dạy thể dục không có dạy thêm, dạy bớt gì được hết”.

Nghĩ là làm, ông Thuyết chạy đi vay tiền của Quỹ công đoàn phòng GD&ĐT quận 10 và của phường theo diện “xoá đói giảm nghèo”. Ông bán luôn chiếc xe máy của mình, gom góp được 4 cây vàng để mua chiếc xe van cũ hiệu Isuzu và đi học lấy bằng lái xe. Kể từ đó, thầy giáo Thuyết ngoài nhiệm vụ chính dạy học còn kiêm thêm nghề lái xe đưa rước học sinh mỗi ngày.

6h30 mỗi sáng, xe xuất phát từ trường Tiểu học Võ Trường Toản, lần lượt đi đến từng nhà đón các bé cho kịp giờ vào học là 7h15.

Trên đường đi đón các bé, gặp phụ huynh, ông đều tươi cười trò chuyện. Các phụ huynh đều có chung niềm tin rằng "thầy Thuyết rất nhiệt tình, cẩn thận nên cho con đi xe đưa rước rất yên tâm".

Xong việc, ông mới đạp xe đến trường lúc 6h để lấy ôtô và chuẩn bị tới điểm đón học trò. Học sinh của ông đa phần là con em những gia đình khá giả, vì bố mẹ bận rộn với công việc nên không thể đưa con tới trường.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Những chuyến xe đầy ắp niềm vui

Nhà chật lại nằm trong hẻm sâu nên ông Thuyết phải gửi xe lại trong sân trường. Một ngày làm việc bắt đầu lúc 4h30, đó là khi ông thức dậy và phụ vợ dọn bàn ghế, bán cơm tấm buổi sáng ở nhà.

6h30, xe ông Thuyết bắt đầu lăn bánh với một hành trình đã được vạch ra chi tiết. Từ đường lớn, ông ngoặt vào hẻm nhỏ, len lỏi chầm chậm để đến nhà cậu bé đầu tiên. Đến nơi, thấy cửa nhà còn đóng im ỉm, ông bấm một tiếng còi ra hiệu. Vài phút sau, cậu bé bước ra với gương mặt còn ngái ngủ, ông liền dìu lên xe.

Hành trình cứ thế tiếp tục, đi khắp các con hẻm trong quận 10 cho đến khi xe đầy học sinh và trở về trường trước 7h15 để kịp giờ vào lớp. Buổi chiều, hành trình cũng tương tự. Xe xuất phát từ trường lúc 16h30, đưa từng em về nhà và sau đó quay lại trường lúc 18h, dọn dẹp, vệ sinh xe rồi mới trở lại tổ ấm của mình.

Không chỉ có nhiệm vụ chở các bé từ nhà đến trường và từ trường về nhà, một số ngày trong tuần, ông Thuyết còn phải chở các bé đi học bơi.

Ảnh minh họa nguồn Internet

“Con muốn lớn lên sẽ làm lính cứu hoả, đi xịt nước chữa cháy, oai lắm”. “Tối qua má mua bánh cho anh mà không mua cho con nên sáng nay con giận, không nói chuyện với má”. “Nhà con có xe hơi mà con không thích đi. Con thích đi xe thầy Thuyết hơn vì có nhiều anh chị chơi vui lắm”... Và còn hàng nghìn mẩu chuyện vui khác từ những tâm hồn bé bỏng trên xe.Công việc nghe qua tưởng chừng như vô vị nhưng thực chất lại chan chứa rất nhiều niềm vui. Niềm vui từ sự hồn nhiên, ngây thơ của các em nhỏ. Phải ngồi trực tiếp trên xe, nghe các bé líu lo trò chuyện với nhau mới cảm nhận được hết cái vui của nghề lái xe này.

Thời gian 5 năm đủ dài để tình cảm giữa hai mái đầu gắn kết, để rồi một lúc nào đó, trong tiềm thức, ông tự xem chúng là những đứa con của mình.Hỏi về những nỗi buồn trong nghề, giọng ông chùng xuống, cho biết điều buồn nhất chính là khi không còn được chở các bé nữa. Ông gắn bó với từng em từ năm lớp 1, biết rõ tính tình, gia đình, sở thích và đón đưa các bé đi học mỗi ngày. 5 năm sau, khi các em tốt nghiệp tiểu học, ông đành phải ngậm ngùi chia tay từng em một.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Có những khi phụ huynh đã đón con nhưng không báo lại, ông lo lắng chạy đi khắp trường tìm, sợ bé bị bỏ lại. Có những khi đưa một em về nhà nhưng khoá cửa, ông phải chở bé trở về trường, cùng ngồi chờ phụ huynh đón đến tận 19h.

Cũng có lúc, các em cãi, đánh nhau trong lúc ông đang tập trung vì xe cộ đông đúc. Ông phải dừng lại, phân xử cho ổn thoả rồi mới đi tiếp được. Nhọc nhằn là vậy, nhưng nếu vắng các em, ông sẽ buồn không chịu nổi.

Buổi chiều, sau khi đã đưa các em về nhà, ông còn phải làm thêm một việc là dọn rác, vỏ bánh kẹo do các bé vứt lại trên xe. "Mình dặn nó có ăn bánh kẹo thì vứt trên xe để mình dọn chứ không được vứt xuống đường", ông Thuyết tâm sự.

Dù trên đường lớn và vắng đến cỡ nào, ông cũng đi với tốc độ không vượt quá 40 km/h. Mỗi khi xe dừng, ông luôn nhanh chóng xuống trước, mở cửa, bế từng em nhỏ xuống rồi tận tay dắt các em qua đường, về nhà an toàn.Ông Thuyết tâm sự lúc nào lái xe ông cũng phải tập trung tuyệt đối, không thể lơ là một phút nào được. Tập trung xử lý tình huống trong mật độ giao thông dày đặc xe máy của Sài Gòn đã đành, ông còn phải luôn kiểm tra kính hậu để “theo dõi các em, sợ nó thò tay, thò đầu ra là phải nhắc liền”.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Đây cũng là nghề không cho phép ông nghỉ đột xuất. Nếu phải nghỉ một ngày vì có việc quan trọng, ông phải gọi điện thoại đến từng phụ huynh, nhờ họ đưa đón con em hoặc nhờ người khác lái thay. Nhưng, điều này là rất khó vì “không ai biết rõ nhà các bé hơn mình”.

Những bé ở nhà ngay đường lớn, ông đều tận tay dắt sang đường để đảm bảo an toàn tuyệt đối. "Nhiều phụ huynh không biết ý, cứ nắm tay thì không được. Mình phải đi làm sao để hai người nhập lại như một thì qua đường mới an toàn", ông Thuyết chia sẻ.

Nhưng cũng chưa biết chừng, vì đến khi ông thấy bản thân có bất kỳ khiếm khuyết nào làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các bé, ông sẽ nghỉ việc.Cuộc sống gia đình ông hiện tại khá hơn, con cái có việc làm ổn định nhưng ông Thuyết vẫn duy trì nghề lái xe vì “cái nghiệp gắn bó với học trò” và cũng vì “phụ huynh thương và tin tưởng mình”. Hỏi khi nào định nghỉ lái xe, ông bảo chắc khoảng 3 năm nữa, khi đã 65 tuổi.

Và lúc đó, ông sẽ nhớ tiếng cười của các em lắm!

Ảnh minh họa nguồn Internet

08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN